
Những lưu ý khi viết Study Plan để xin Visa du học
Một trong những điều kiện xin Visa du học là viết Study Plan – hay còn gọi là bản trình bày kế hoạch học tập. Một bản trình bày kế hoạch học tập hợp lý và thuyết phục sẽ gồm những phần sau đây
Phần mở đầu: Giới thiệu về bản thân bạn
Đây là một điều rất cần thiết trong bản trình bày kế hoạch học tập. Để mở đầu cho bài viết Study Plan, bạn sẽ giới thiệu bạn là ai, bạn đến từ đâu, trình độ học vấn, ngành học background của bạn và trường bạn đang theo học.
Phần nội dung
Đây là phần quan trọng nhất và bạn nên chú trọng chi tiết để lãnh sự quán có thể hiểu rõ mục đích du học của bạn là để học tập chứ không có mục đích nào khác. Ở phần nội dung gồm có các phần sau
Tại sao bạn chọn đất nước A để du học?
Để trả lời câu hỏi này, bạn cần mô tả lý do bạn chọn đất nước A để du học. Điều gì khiến nước này đặc biệt với bạn chứ không phải là đất nước khác. Bạn có thể liệt kê ra những điều bạn thích ở đất nước này, bạn có thể nói về bằng cấp ở nước này được công nhận trên thế giới như thế nào.
Mục tiêu học tập của bạn là gì?
Hãy nói về lựa chọn về ngành nghề bạn quan tâm sau khi tốt nghiệp và ngành nghề này sẽ giúp ích cho bạn như thế nào trong tương lai.
Bạn có tìm hiểu về trường học, ngành học bạn mong muốn ở Việt Nam?
Hãy trình bày trong bài viết Study Plan về việc bạn đã tìm hiểu trường học và chương trình học khác ở Việt Nam. Tại Việt Nam cũng có một số chương trình tương tự như tại đất nước bạn mong muốn học tập. Tuy nhiên, bạn phải giải thích lý do bạn vẫn muốn lựa chọn học tập tại đất nước A, đặc biệt bạn nên nói về sự khác biệt giữa nền giáo dục của Việt Nam và đất nước bạn muốn học tập. Điều đó sẽ tăng thêm tính thuyết phục rằng học tập tại đất nước A sẽ thỏa mãn được mục tiêu học tập của bạn. Tuy nhiên, bạn nên so sánh một cách khách quan, không nên nói quá về nền giáo dục của đất nước A, hay nói những điều tiêu cực về nền giáo dục của Việt Nam.
Tại sao bạn không theo đuổi một chương trình học tương tự ở Việt Nam
Hãy tìm hiểu về giá trị của hệ thống giáo dục của đất nước bạn chọn, nó được công nhận như thế nào trên Thế Giới. Có thể tại Việt Nam có trường Đại Học/Cao Đẳng có chương trình đào tạo như thế nhưng bạn muốn học tại đất nước có nền giáo dục tiên tiến đẳng cấp hơn.
Hoặc ở Việt Nam không có trường Đại Học/Cao Đẳng nào đào tạo ngành học bạn muốn theo đuổi, nên bạn muốn học tập tại đất nước này.
Chương trình học này có cơ hội nghề nghiệp rộng mở với bạn như thế nào ở Việt Nam?
Bạn hãy nêu những vị trí, công việc bạn yêu thích sau khi tốt nghiệp chương trình học ở nước A. Bạn sẽ có thể có được công việc mong muốn đó nếu như bạn không đi du học không? Việc đi du học tạo tiền đề giúp bạn có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để chuẩn bị cho vị trí công việc sau này? Bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá như thế nào với bằng cấp, kiến thức và kỹ năng đã tích lũy được khi đi du học tại nước A? Bên cạnh đó bạn cần nhấn mạnh chỉ khi bạn học tập tại đất nước A bạn mới có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được công việc khi trở về Việt Nam.
Nói về những mối quan hệ của bạn trong gia đình
Ở phần này sẽ mang tính thuyết phục hơn với lãnh sự quán khi họ biết được bạn có những mối quan hệ gia đình ràng buộc ở Việt Nam như bố mẹ, vợ/chồng/con,… để đảm bảo bạn sẽ quay về Việt Nam sau khi hoàn thành xong chương trình học.
Nêu về năng lực tài chính của gia đình
Trong phần này bạn hãy nêu rõ ai sẽ là người chi trả tài chính cho bạn trong thời gian học tập và sinh sống tại nước ngoài? Công việc của họ là gì? Thu nhập của họ như thế nào và tài sản hiện có? Hãy cho đại sứ quán thấy, bạn có tiềm lực tài chính vững chắc, để bạn yên tâm tập trung học hành và không phải lo lắng về tìm kiếm công việc làm thêm để trang trải.
Cung cấp chi tiết lịch trình học của bạn từ đầu đến cuối chương trình học
Trong phần này, bạn cần nêu chi tiết lịch trình học của bạn theo từng giai đoạn, để chứng minh rằng bạn có một kế hoạch học tập rõ ràng, liên tục và không bị ngắt quãng. Ví dụ như năm đầu bạn sẽ học chương trình tiếng Anh, năm tiếp theo bạn sẽ vào học khoá chính,v.v.
Giải thích những khúc mắc, những vấn đề chưa rõ ràng trong hồ sơ du học của bạn
Nếu hồ sơ du học của bạn mượt mà, kết quả học tập tốt, không có khoảng trống trong quá trình học, chưa bị từ chối Visa, hay hồ sơ tài chính đầy đủ và rõ ràng,…, bạn có thể bỏ qua phần này. Nhưng nếu trong hồ sơ của bạn vấp phải một vấn đề gì đó, bạn nên dành ra phần này để giải thích chi tiết về khúc mắc đó khi viết Study Plan
Phần kết luận
Phần này bạn không cần phải quá dài dòng, chỉ tóm gọn lại mục tiêu học tập và lý do học tập tại nước bạn đã chọn. Ngoài ra, bạn nên cảm ơn người đã dành thời gian để đọc bản trình bày kế họach học tập của bạn.
Tham khảo bài viết “Những thứ bạn cần chuẩn bị trước khi xin học bổng du học” tại ĐÂY
Đăng ký tư vấn
Để được tư vấn một lộ trình và kế hoạch học tập hợp lý, bạn có thể để lại thông tin ở form dưới đây.
Bài viết có tham khảo từ Green Future Vietnam